NGƯỜI BÁN HÀNG GIỎI NHẤT SAPA

tienphongdocquyen_19_jmzu

Nếu ai đã từng một lần ghé thăm Sapa, ắt hẳn sẽ còn nhớ mãi khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với những thửa ruộng bậc thang yên bình vắt ngang qua dòng suối lớn. Những bản làng nên thơ đổ dài theo triền con dốc khúc khuỷu hay cái se lạnh buổi sáng mờ sương khiến khách bộ hành cứ nép vào nhau dọc theo những con đường đổ về nhà thờ đá…

Tôi cũng có những kỷ niệm đẹp như thế đối với thị trấn du lịch vùng Tây Bắc này – đặc biệt hơn nữa, lần đó tôi được gặp một người bán hàng giỏi nhất Sapa!

Chắc các bạn biết ngoài tất cả những đẹp đẽ mà những trang web du lịch mô tả, Sapa còn có một thứ độc đáo khác khiến du khách ấn tượng là các em bé bán hàng rong người Mông. Đông đảo, kiên trì, đeo bám. Mời khách mua hàng bằng cả tiếng Kinh, tiếng Mông và tiếng Anh – đặc biệt lém lỉnh dùng khá nhiều chiêu trò để bán được hàng (dúi hàng vào tay khách rồi khóc, cõng theo em bé diễn cảnh thật tội nghiệp, sụt sùi năn nỉ dai dẳng…).

em-be-sa-pa-ban-hang-rong-dang-yeu-hop-hon-nguoi-hinh-7Hôm đó, chúng tôi làm một tour vào thăm bản Cát Cát, vừa qua trạm thu phí một đoạn thì gặp một đám rất đông các em bé bán hàng rong xông đến chen lấn, í ới mời mua hàng. Một bên tay là các túi và dây đeo tay thổ cẩm, tay kia là những chiếc vòng bạc… Mặc dù nhiều lần bảo không mua nhưng các em vẫn cứ bám theo, vài em bỏ chạy sang nhập vào nhóm đang tiếp thị khách khác thì lại có dăm bảy em nhóm khác nhập lại…

Cả tiếng đồng hồ vừa đi vừa phải cẩn thận để không dẫm chân các em cũng khá là vất vả, khiến nhóm du khách chẳng thể tập trung thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên. Thấm mệt, chúng tôi ngồi lại bên cái quán nhỏ nơi con suối chuyển dòng đổ xuống thành thác nước êm ả khá đẹp…

Lúc ấy có một cô bé rất xinh, dáng cao, gương mặt dễ thương nhẹ nhàng đến cầm tay cô bạn gái tôi. Em cười thật tươi và nói: “Chị có nước da trắng mịn màng đẹp lắm, em tặng chị chiếc dây đeo này nhé, nó có ba màu thật hợp với màu da chị đấy!”, vừa nói em vừa đeo chiếc dây vào cổ tay bạn tôi.

Chi-diu-em_aa876Chúng tôi nhìn nhau cười, bạn gái tôi cảm ơn nhưng lắc đầu bảo: “Chị không mua đâu!”. “Em không bán mà lại, em tặng chị đấy! Em chọn cái đẹp nhất đây này”, em bé có vẻ thật thà trả lời…

Mấy đứa bé đứng gần nhao nhao lên “Chị nhận đi, chị nhận đi…”. Không thể trả lại được nhưng cũng không thể nhận như vậy, nên bạn tôi hỏi giá để trả tiền, em bé cứ khăng khăng: “Em không bán mà, em tặng chị đấy!”…

Một lúc sau chúng tôi lên đường đi tiếp, nhiều đứa trẻ mới lại nhập vào đám đông nhốn nháo mời mua đủ thứ đồ lưu niệm lỉnh kỉnh trên tay. Cô bé ấy cũng đi theo nhưng cứ tung tăng một mình, chẳng mời mọc gì cả…

Tro-choi-kiem-tien-cua-nhung-dua-tre-o-sapa-12Tôi bắt đầu tò mò nên gọi lại hỏi “Ai em cũng tặng như thế à?”.

“Không ạ! Tại cái dây này hợp với nước da chị nên em mới tặng…”.

Bạn sẽ cám ơn và đi luôn? Không bao giờ, đúng không? Dĩ nhiên bạn sẽ không làm thế. Chúng tôi cũng vậy. Trước khi đón chiếc xe ôm trở về khách sạn, cô bạn tôi đã kịp mua tặng lại em hai gói bánh Kinh Đô, chai nước suối và dúi vào tay em tờ 50 nghìn.

Em bé bán hàng cho chúng ta một bài học rất hay: trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, đôi khi muốn bán được hàng bạn phải trở nên khác biệt. Nếu không khác biệt bạn sẽ lọt thỏm giữa hàng ngàn người bán hàng trong ngành, chẳng để lại ấn tượng gì với khách hàng – và khi đó, cơ hội thành công của bạn là rất nhỏ!

Bình luận về bài viết này